Đơn ly dị của cậu học sinh giỏi
Nhận điện thoại của cô giáo chủ nhiệm lớp 1D, trường tiểu học Đ.N (Hà Nội) anh N vội phóng xe đến trường. Anh N không tin nổi đơn xin ly dị do con trai mình viết. Đơn xin ly dị được cậu bé 6 tuổi trình bày chỉn chu đến mức giật mình. Dòng chữ “Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam/Độc lập tự do hạnh phúc” được cậu bé 6 tuổi viết ngay ngắn chếch phía trên góc phải tờ giấy và viết in hoa dòng chữ ĐƠN XIN LY DỊ.
Trong đơn cậu học sinh Đ.H, viết: “Hôm nay ngày... tháng... năm... Do tôi không còn tình cảm gì với bạn G là bạn gái của tôi trong lớp, tôi chuyển sang thích bạn M. Vì thế, tôi làm đơn xin ly dị với bạn G chính thức từ ngày hôm nay. Bạn G không được phép nắm tay tôi nữa. Ký tên Đ.H”.
Cô giáo cho biết, trong tiết học Đ.H không tập trung nghe giảng mà lúi húi viết. Tuy nhiên, thấy cậu học sinh giỏi không gây mất trật tự nên cô giảng bài cho xong. Cuối giờ, cô bắt Đ.H đưa tờ giấy cậu viết trong giờ học. Nhìn tờ đơn, cô vội vàng gọi điện cho bố Đ.H. Trong tâm trạng khó tả, anh N không biết phải giải thích thế nào với cô giáo. Đưa con về nhà, anh xé nát tờ giấy và phát cho cậu con mấy cái vào mông. Thằng bé Đ.H không khóc mà cũng nhất định không chịu xin lỗi bố.
Đợi cơn giận của anh N qua đi, tôi cùng anh hỏi chuyện Đ.H. Cậu bé cho biết, nếu cậu thích bạn gái nào thì hay nhìn, hay chơi với bạn gái đó. Thỉnh thoảng, cậu thường thơm trộm vào má bạn gái. Khi hỏi về lá đơn, Đ.H lý giải: “Khi cháu thích bạn ấy, cháu nói với bạn. Vậy khi không còn thích nữa, cháu phải viết đơn ly dị rõ ràng chứ, trên phim người ta làm như thế mà. Nếu cháu không làm như vậy, bạn ấy cứ bám theo cháu, cháu không thể chơi với bạn gái khác được ạ”.
Đ.H là con trai duy nhất của anh chị N. Bố mẹ Đ.H là công nhân của 2 Cty khác nhau và làm việc theo ca. Do bố mẹ thường về muộn nên sau giờ học, Đ.H thường ở nhà một mình và thỏa thích xem tivi đến 20 giờ mỗi tối. Đó là khoảng thời gian Đ.H được tự do bởi bất cứ ngày nghỉ nào, anh N đều cho con theo học thêm các lớp tiếng Anh, toán và luyện chữ đẹp.
Đ.H là học sinh giỏi thường đứng nhất, nhì lớp. Sau sự cố lá đơn, bố mẹ Đ.H chú ý đến con nhiều hơn và lắng nghe chuyện trường lớp, bạn bè của cậu. Chuyện đã xảy ra hai năm trước, còn năm học này, Đ.H được chọn đội tuyển của lớp 3 tham dự cuộc thi Hoa Trạng nguyên cấp trường. Cuộc thi dành cho học sinh giỏi toàn diện toán và tiếng Việt.
Cô bé lớp 2 gửi tối hậu thư
Mới đây, anh N.V.H post lá thư được anh đặt tít “Binh và Bốp” của cô con gái 7 tuổi tên Bầu lên facebook. Ngay lập tức, cư dân mạng gửi phản hồi và bàn tán xôn xao về ngôn ngữ trong thư .
“Gửi thằng điên lớp 3A1
Mày làm tao cười vỡ bụng: mắt cận lòi như hột táo, đầu trọc lóc, da đen như người châu Phi, ha ha. Tiện đây tao nói luôn: Tao không phải người bình thường đâu, tao là học sinh trường THDL (Tiểu học dân lập – PV)... Liệu thần hồn, thằng điên kia.
Mày là anh họ của Đạt, đúng không?
Tao gọi anh tao thì sẽ “binh và bốp”.
Sở dĩ bé Bầu viết lá thư và định gửi cho một thằng điên lớp 3A1 là bởi cậu học sinh này hay trêu ghẹo, lúc thì giật tóc, lúc vỗ vào vai, vào lưng, khi thì hét toáng vào tai cô bé và đám bạn của cô. Bố mẹ và cô giáo thường dạy, là con gái không nên gây gổ, to tiếng với mọi người nên sau nhiều lần ấm ức, bé Bầu chọn cách viết thư.
Anh H cho biết, trong gia đình, Bầu (sinh năm 2003) là chị cả, dưới Bầu còn có em gái 8 tháng tuổi. Sau khi trút hết sự bực tức về thằng điên như chê bai về hình dáng, Bầu thỏa thích cười hài lòng. Để dọa cậu học sinh trên mình một lớp, Bầu bịa ra chuyện có anh trai và nhắc nhở, nếu tiếp tục trêu sẽ có lệnh trừng phạt mang tên “binh và bốp”.
Theo cách hiểu của Bầu, binh tức là gõ vào đầu, còn bốp là tát vào mặt. Mặc dù bực tức thế nhưng Bầu không gửi thư cho thằng điên mà giữ trong ngăn cặp. Đọc xong lá thư của con, anh H tìm gặp thằng điên lớp 3 và giảng hòa xích mích giữa bọn trẻ.
Theo nhận xét của cô giáo chủ nhiệm, Bầu là một trong những học sinh đứng đầu lớp và học giỏi tất cả các môn, đặc biệt môn tiếng Việt. Anh H cho biết thêm, Bầu rất thích đọc sách, ham ghi chép, viết thư cho bạn bè. Anh H sưu tầm được một số bài viết của Bầu lúc bé học lớp 1.
Anh H cho biết, từ ngày đọc được tối hậu thư của con gái, anh chị quan tâm đến con nhiều hơn và khích lệ sở trường của con. Bạn bè anh đọc văn của bé, cùng chung nhận xét: ngôn ngữ phong phú và tư duy mạch lạc.
Trong bài viết “Em Tu Ti của tôi”, Bầu viết: “Em gái của tôi tên là Tu Ti (Tu ti nghĩa là tu cái ti, hiểu chửa?). Lúc em bé mới chào đời, sinh buổi tối lại là tuổi Hổ, mà tôi lại là tuổi Dê, nên tôi sợ... sau này em bắt nạt tôi thì chết! Bây giờ, em đã hai tháng rồi, có cái trò mút tay, giống tôi ngày xưa, 3 tuổi mới chịu ngừng. Tôi mà che miệng để nó đỡ mút tay thì nó liếm luôn tay tôi, thật không chịu nổi”.